Monday, July 21, 2014

Xin chào!

Mất khoảng hơn 5 tiếng để đọc xong "Nếu gặp người ấy cho tôi gửi lời chào" (Ichikawa Takuji). Một cơn gió thật lạ! 

Nhẹ nhàng như gió ý...


Không rõ là do bản thân cách viết của nhà văn hay có thêm sự xúc tác của lối dịch nhưng "Nếu gặp người ấy cho tôi gửi lời chào" rất dễ gây cảm tình.
Những mẩu hội thoại ngắn, nhanh và có phần "nhập nhằng" giữa lượt nói của nhân vật này và nhân vật kia, tuy nhiên, kiểu viết này lại làm tôi thấy hứng thú, rất hợp ý. Quả hơi xấu hổ khi nói ra điều này, nhưng tôi viết văn (thực ra là những mẩu chuyện bâng quơ) cũng thường vô tình sử dụng lối viết cộc lốc thiếu đại từ. Ngay cả viết blog cũng vậy, cũng ít khi xưng "tôi" mà toàn để câu thiếu chủ ngữ. 

Tôi cũng thích cách mà nhà văn xây dựng câu chuyện, nó đan xen giữa hiện tại và quá khứ, không phải lối kết cấu xa lạ gì, nhưng ở đây có sự mới mẻ, ít nhất là với tôi... Quá khứ hay hiện tại đều chuyển động hài hòa, liền mạch đôi khi khiến tôi cảm thấy có chút bối rối trong sự nhận biết ranh giới giữa cái đã xảy ra và cái đang xảy ra. Tuy vậy cũng không đến mức hòa lẫn vào nhau. Nghĩ lại thì, giống như gió ý...
Rất nhẹ nhàng. Giống một thứ "ngôn tình" nhưng sâu sắc và nghệ thuật hơn, ấn tượng hơn. Giống Marc Levy. Tức là rất có tiềm năng trở thành một bộ phim tình cảm chuyển thể ăn khách.

Trong truyện có mọt đoạn mà khi đọc tới, tôi đã bất giác giật mình. Đó là khi Satoshi nói với Karin suy nghĩ của anh về ngày sinh nhật.
...
"Ngày sinh nhật đau khổ? Không phải là vui sao?"
"Thế nên tôi mới noi anh là trẻ con. Từ hai mươi tuổi trở đi ấy à, sinh nhật chẳng đem lại gì khác ngoài đau khổ cả."
"Tôi thì vẫn thấy vui mà. Tôi thì nghĩ đến người mẹ đã rứt ruột sinh ra mình. Thế nên ngày sinh nhật, đối với người mẹ, thì cũng là ngày sinh nở"
"À, đúng."
"Vì thế ít ra nên có một ngày để bày tỏ lòng tri ân, rằng cám ơn mẹ đã sinh ra con. Đó là ngày để chúc mừng các bà mẹ đấy chứ."
...
Tôi thấy đồng cảm. Hồi trước có lần tôi cũng đã nghĩ: "Tại sao sinh nhật của một người lại không chúc mừng người mẹ, mẹ đã mang nặng đẻ đau sinh ra chúng ta mà? Ngày sinh nhật phải tặng quà và nhớ về công ơn của mẹ mới đúng." Thực sự đã có lần tôi nghĩ như vậy. Thậm chí sau đó còn hỏi lại mẹ và mẹ nói rằng đó là để kỉ niệm ngày đầu tiên em bé ra đời. Sau lần đó thì tôi cũng vô tâm quên đi mất chính ý tưởng của mình. Điều này lại khiến tôi hơi suy nghĩ một chút. Sắp đến sinh nhật mẹ rồi, có lẽ tôi nên mua quà cho mẹ và làm gì đó cho ông bà ngoại tôi. Tháng 10 sinh nhật tôi, có lẽ tôi cũng nên tặng khéo bố mẹ thứ gì đó! 
Viết ra như vậy cũng không hẳn để khoe khoang nhưng thật thích khi đang đọc một cuốn sách mà bất giác tìm thấy mình trong đó. Viết ra cũng là tự nhắc mình, vì hay đọc lại những post cũ nên mong là bản thân sẽ không quên những dự định vào "những ngày sinh nhật".
Vì vậy mà, cho dù sắp 20 rồi, từ sinh nhật 18 tôi đã luôn than mình đang già đi. Nhưng, thực may mắn vì mẹ đã sinh ra tôi và mỗi năm đều có thể đón sinh nhật cũng gia đình và bạn bè. Tuy mỗi ngày đều than thở nọ kia, vẫn thấy mình sống ăn bám và vô dụng, càng như vậy lại càng thấy bản thân quá may mắn vì được sinh ra là con của bố mẹ. Tôi phải tận hưởng từ từ, cẩn thận và tập suy nghĩ nhiều hơn...

Đoạn sau đó lại khiến tôi nhớ tới Nam Cao, "Đời thừa" chăng(?!). 
..."Trong cái thế giới méo mó đầy rẫy xấu xa này, anh đã lớn lên khá ngay thẳng đấy nhỉ? Sự tồn tại của anh, tự nó đã là một điều kỳ diệu."
"Tôi bình thường mà."
"Đúng vậy. Mọi người đều nói vậy đấy."
"Mọi người?"
"Tất cả những kẻ không bình thường."

Ngoài ra tôi cũng thích cái cách mà Ichikawa Takuji vẽ nên nhân vật Yuji. Nghĩ thế nào thì đó cũng là nhân vật phụ. Những nhân vật phụ, ai cũng vậy, là thứ keo kết nối các nhân vật chính. Cái cách mà Yuji thích rác, cái cách mà cậu cảm nhận về thế giới hay suy nghĩ về nỗi buồn, hay lúc cậu ấy đối diện với cuộc đời, giống như một thấu kính ngũ giác của máy ảnh (?!). Những chuyện buồn không trở nên bất hạnh, nó giống với cảm giác đang đi trong mưa rất lạnh bỗng có người xuất hiện che ô, đưa về tận nhà, được sưởi ấm và nghe tin ngày mai trời sẽ có nắng...

Mọi nhân vật, mỗi nhân vật đều đóng vai trò quan trọng. Không thừa, không thiếu. Sự sắp xếp là rất vừa.

À, trong truyện nhân vật chính hay tới ăn ở một quán ăn Việt Nam của "anh Nguyễn"... Chỉ là tiểu tiết thôi, nhưng vì tôi là người Việt Nam mà. Cứ có cảm giác như thấy mình trên báo (!?)...

Bởi vì cuối cùng cũng là HE, nên nó làm đầy đặn sự thích thủ của tôi. Thỏa mãn...
...
Đọc xong mới nhận thấy một điều đơn giản, rõ ràng nhưng nhiều người làm ngơ: bất kì người nào cầm bút, lấy câu chữ của mình để mưu sinh, chọn làm nghiệp thì đều cần kiến thức chung rộng khắp. Nếu không biết tí gì về những lính vực khác, nhân vật hay câu chuyện cũng chỉ trở thành chân dung họa lại nguyên mẫu kẻ cầm bút, sản phẩm làm ra là cả một cái "tôi" nhàn nhạt, ích kỷ, thiếu hấp dẫn, không có màu sắc cũng không sáng tạo. Vì vậy mà nhà báo hay nhà văn, cứ ai làm "nghề viết" thì đều phải xuất phát từ "đọc" và "học"...
Có một câu của Yuji, bây giờ tôi quên rồi mà lúc đọc thì lại quên mất không đánh dấu...

...
Sách của tôi có chữ kí của Tùng Nâm- là họa sĩ thiết kế bìa sách...


...
Trời đang mưa, mưa rất to, nó làm tôi muốn đọc "Và em sẽ đến cùng cơn mưa" nhưng tôi nghỉ đã muộn rồi và từ ngày mai tôi cũng phải thức dậy sớm một chút đẻ thực hiện theo kế hoạch nào đó đang nhen nhóm trong đầu...
Mưa thế này thật thích, chúc các bạn ngủ ngon!

No comments:

Post a Comment