“Tôi có quyền hủy hoại bản thân” – Young –
Ha Kim, một cuốn sách giống như “bút kí của Tử Thần” vậy.
Chưa đầy 200 trang chữ, đủ sức cứu rỗi một
tâm hồn, hoặc hủy hoại nó. Tùy ở người đọc quyết định. Một cuốn sách nguy hiểm,
bởi vậy nó mới cám dỗ…
Đóng cửa, cách biệt với những huyên náo của
trận Chung kết lịch sử, chìm vào trong một thế giới khác. Một cuốn sách có thể
đánh cắp của bạn bao nhiêu thời gian trong thế giới thực tại ấy?
Giống như dòng chảy của dòng sông ấy, dòng
sông mà linh hồn phải đi qua trước khi đến âm tàng địa phủ, sông gì nhỉ? À, Sông
Styx. Đọc xong một mạch, cảm giác chỉ muốn ngủ một giác thật sâu. Quả không lừa
người khi nói đây là một tác phẩm hư cấu khó tiếp nhận. Nó không khó hiểu, mà
là khó đồng cảm. Những người đang cảm thấy tràn trề nhựa sống, vô cùng yêu đời
sẽ không thể “nuốt” nổi cuốn tiểu thuyết này.
Mặc dù không thể khóc, nhưng cảm giác như nỗi
cô đơn được xoa dịu. Nhờ có “tôi”. Một tư vấn viên hoàn toàn khác biệt với những
tư vấn viên thông thường. Người thu thập đau khổ của kẻ khác, trân trọng chúng,
khiến nỗi buồn có cảm giác bình đẳng với tất cả những cảm xúc “tích cực” khác.
Xuất hiện, âm thầm bên cạnh, thiết lập một mối rằng buộc – hợp đồng, ở lại với
bạn tới giây phút cuối cùng, một người tôn trọng sự giải thoát mà bạn lựa chọn.
Với những người nghĩ tới cái chết thường
xuyên, “tôi” là hiện thân của Thần Chết. Nhưng liệu so sánh như vậy có công bằng
không nhỉ? Bởi vì trong mắt mọi người, Thần Chết chẳng phải là kẻ đi tước đoạt
sự sống sao? Ở đây, “tôi” khéo léo trao cho khách hàng của mình quyền quyết định.
Trả lại cho họ “quyền tự hủy hoại bản thân”.
Kẻ làm nghệ thuật sợ hãi chính tác phẩm của
mình, người khao khát cảm nhận sợi dây máu mủ mơ hồ, người tìm kiếm sự xoa dịu
bằng cách bỏ trốn thật xa. Tới đâu nhỉ? Bắc Cực cũng chỉ là một “tảng băng trôi”…
Những bức tranh, những liên tưởng. Chẳng phải
là một kẻ nghiên cứu hội họa, bỗng dưng lại cảm thấy sức cám dỗ chết người của
những tác phẩm còn sống ấy. Cuốn sách một lần nữa làm được những gì nó muốn.
Khiến người khác muốn “tự hủy hoại mình”.
Hoặc không?
Đâu là điều thực sự được hướng tới? Ai quan
tâm chứ!
Kẻ nào muốn chết vẫn sẽ chết. Kẻ muốn sống
vẫn ở lại.
Bạn có tin không? Nếu như nói rằng việc bạn
đọc một cuốn sách trong một thời điểm cũng là kết quả của “luật hấp dẫn”? Thứ định
luật đó không chỉ áp dụng giữa con người thôi đâu. Nhưng chắc không thể gọi là “trường
sinh học”. Nhỉ?
Một cuốn sách có thể nằm trên kệ sách nhà bạn
từ mùa xuân năm ngoái, nhưng chỉ đến khi cái “tôi” của bạn, ở một thế giới khác
thôi thúc bạn đọc nó… “Đọc nó ngay đi! Ngay bây giờ, chính thời điểm này này ”,
và thế là bạn đọc. Mà, nếu vậy, bạn có tin vào thuyết “thế giới song song”
không?
Đừng mong chờ đây là cuốn sách sẽ giúp bạn
tìm lại niềm vui sống. Không giống những cuốn sách tựa thì u ám nhưng bên trong
thì lại là câu chuyện “vượt lên số phận”. Không đâu nhé! Nhưng không thể phủ nhận
tôi có cảm giác muốn bắt đầu lại sau khi ngủ dậy. Mọi thứ vẫn mơ hồ, nhưng lại
mơ hồ một cách rõ ràng hơn.
Một Thần Chết tôn trọng “quyền tự hủy hoại”
của bạn cũng giống như một người tình trung thành.
Sau tất cả, đây là một cuốn sách khó thở…
và ấm áp.
_____
Hãy đọc nó trước khi đi ngủ, sau đó thì bạn sẽ đi ngủ, dù thế nào đi nữa...
Hãy đọc nó trước khi đi ngủ, sau đó thì bạn sẽ đi ngủ, dù thế nào đi nữa...
No comments:
Post a Comment